'Tỷ phú' giò chả kể chuyện làm hàng Tết

Xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng có nhiều thôn làm giò chả như Ước Lễ, Phúc Thụy, Tri Lễ. Theo các cụ cao niên trong xã, nghề làm giò chả xuất phát từ thôn Tri Lễ nhưng lan rộng ra các thôn khác như Phúc Thụy, Ước Lễ. Nhiều người biết đến giò chả Ước Lễ hơn vì thôn này rất biết cách xây dựng thương hiệu, còn về chất lượng thì giò chả Tri Lễ hay Phúc Thụy ngon không kém. Lượng người ăn giò chả Tri Lễ còn nhiều hơn cả Ước Lễ.

Tại thôn Tri Lễ có vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đạt và chị Nguyễn Thị Tình nổi tiếng làm giò chả ngon nức tiếng. 

Anh Nguyễn Hữu Đạt cho biết những ngày cận Tết, trung bình mỗi ngày gia đình cho ra thị trường khoảng 6-7 tạ giò nạc. Mỗi kilogam giò nạc có giá 150.000-180.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu mỗi ngày trên dưới 100 triệu đồng, cả vụ Tết lên đến cả tỷ đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn làm thêm nem chua, chả quế, thu hàng triệu đồng mỗi ngày. 

 'Ty phu' gio cha ke chuyen lam hang Tet hinh anh 1
Anh Nguyễn Hữu Đạt đang cắt lá chuẩn bị gói giò. Ảnh: Quỳnh Trang

Vợ anh Đạt, chị Nguyễn Thị Tình, cho biết hàng ngày gia đình làm hàng từ 2h đến gần tối, trưa chỉ nghỉ ăn và chợp mắt một chút lại bắt tay vào làm.

Gần Tết, đơn đặt hàng nhiều nên gia đình phải huy động thêm anh em họ hàng làm cùng. Mỗi người một việc phân công rất rõ ràng. Người chuyên thịt lợn, người chuyên lọc thịt, người chuyên cắt lá chuối, xay giò, gói giò, người chuyên dọn dẹp và tính tiền cho khách… Mọi người luôn chân luôn tay cả ngày không kịp bán cho khách.

Anh Đạt cho biết thêm trung bình mỗi ngày gia đình xẻ hàng chục con lợn để lấy thịt xay giò. Không chỉ làm giò, anh chị còn thịt lợn thuê phục vụ bà con với giá 300.000 đồng/con, xay giò thuê với giá 25.000 đồng/kg. Nhiều người dân địa phương hoặc tại các vùng lân cận mang lợn đến nhờ xay giò.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm giò chả, theo anh Đạt, để làm một chiếc giò ngon cần rất nhiều yếu tố như chất lượng lá chuối gói, chất lượng thịt lợn, gia vị đi kèm, cách xay giò, luộc giò… Cùng với chất lượng, giò của anh có thể để được một tuần với thời tiết như hiện tại.

Anh chị thường xuất giò cho các lái buôn ra Hà Nội tiêu thụ.

 'Ty phu' gio cha ke chuyen lam hang Tet hinh anh 2
Chị Phạm Thị Hòa vui vẻ mang số giò nhờ anh Đạt xay giúp về nhà. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chị Tình cho biết nhà vẫn làm theo truyền thống nên chưa đăng ký thương hiệu gì cả. Nhưng cứ dịp xuân về nhiều người thấy giò ngon lại gọi về đặt hàng rồi xuất ra Hà Nội. Đơn đặt hàng nhiều lúc làm không xuể. Giò làm đến đâu bán hết đến đấy.

Chị Phạm Thị Hòa (thôn Đông Giã, xã Đỗ Động), cách xã Tân Ước vài cây số, cũng tìm về nhờ anh chị Đạt - Tình xay giò giúp. Tết năm nay gia đình chị và anh em trong gia đình đụng một con lợn nặng gần một tạ. Số thịt lọc được, chị Hòa mang đến thôn Tri Lễ nhờ anh Đạt xay được 29 chiếc giò.

Chị Hòa cho biết đã nhờ xay giò ở đây được 3 năm. "Tôi phải chờ cả buổi sáng mới đến lượt mình. Tiền công xay là 25.000 đồng/chiếc nhưng vợ chồng anh Đạt lọc thịt, xay rồi luộc. Tôi thấy giá như vậy vẫn khá rẻ và chất lượng", chị nói.

Anh Vũ Văn Minh, một lái buôn tại quận Thanh Xuân, cũng tắm tắc khen giò của anh chị Đạt Tình có hương vị rất hấp dẫn. Anh Minh cho biết phải gọi đặt trước giò từ vợ chồng anh Đạt Tình cả tháng trước Tết. Anh nhập hàng chục kilogam giò để bán lẻ cho nhiều khách thân thiết ở Hà Nội. “Năm nào tôi cũng nhập giò ở đây về bán, và đều cháy hàng. Giò ở đây đã làm thương hiệu của cửa hàng tôi thơm lây”, anh Minh tâm sự.

Vì bận rộn nên vợ chồng anh Đạt chị Tình gần như không có thời gian sắm Tết. Chị Tình cười vui nói: “Đến mùng một Tết nhà tôi mới vào giai đoạn nghỉ ngơi và chuẩn bị Tết. Có năm tôi ngủ cả Tết để lấy lại sức, bù lại công sức làm ra cả tấn giò”.